Bóng nắng trong nhà
“Chất lượng cuộc sống mà công trình mang đến phần nào được cảm nhận từ hình khối kiến trúc, và hình khối kiến trúc phải có sự gắn kết với con người bên trong” – đó là một trong những ý nghĩ khởi nguồn của kiến trúc sư khi được giao thiết kế một căn nhà phố ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn.
Dự án nhà ở này có thể ví von như là một nỗ lực tìm kiếm phong cách sống đương đại trong mô típ kiến trúc nhà phố phổ biến ở Việt Nam: không chạy theo sự mới mẻ, thực dụng của xã hội hiện đại, mà vẫn neo lại những giá trị tinh thần căn bản của lối sống người Việt.
Cốt lõi chính là việc thoát ra khỏi thói quen sống kiểu “nhà phố” – nơi những trục cầu thang thường đặt tại vị trí trung tâm, không gian sống từ đó được tiếp cận qua những lối hành lang hẹp, kết thúc bằng những căn phòng vây bởi tường và tường, nơi từng cá thể con người tự cô lập chính mình.
Chủ đầu tư là một gia đình trẻ với hai con nhỏ, cùng khao khát về một ngôi nhà nơi con người được gần gũi hơn với tự nhiên, nơi con người được gắn kết hơn với con người – giá trị tinh thần và mối liên hệ trong gia đình được nhấn mạnh hơn cả.
Từ những dữ kiện ấy, thiết kế được xây dựng với hình thức tổ hợp những khối (chồng khối) – khối tượng trưng cho những không gian mang tính riêng tư (như phòng ngủ, bếp, toilet).
Đồng thời, quá trình trượt những khối riêng tư này hình thành những không gian công cộng – nơi sinh hoạt của gia đình (như phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung).
Cùng với dây chuyền công năng, việc kiểm soát tính riêng tư cũng như định hướng sinh hoạt được hình thành. Một cách liên tục, hệ cầu thang như sợi dây gắn kết sự liên hệ giữa các khu vực chức năng.
Không gian riêng tư và không gian công cộng đan xen nhau một cách tuần tự. Theo đó, mỗi thành viên trong gia đình đều phải giao tiếp với nhau nhiều hơn trong chuỗi sinh hoạt hằng ngày, thay vì đóng chặt mình trong từng phòng riêng biệt.
Từ cửa chính, một lối hầm nhỏ hẹp dẫn dắt mở ra không gian tiếp khách rộng với hệ cửa vách ngăn di động kính cao 5m. Hệ cửa vách ngăn di động ít nhiều xóa nhẹ phần ngăn cách không gian trong nhà và vườn ở sân sau. Khả năng hút gió và thông thoáng tự nhiên được tăng cường tối đa nhờ hiệu ứng đường hầm.
Tương tự, phòng ăn cũng được bố trí ở khoảng thông tầng, tạo được sự kết nối với các không gian công cộng khác.
Dọc theo hệ cầu thang thép, những khối không gian riêng tư hơn dần hình thành, bao gồm: thư viện, phòng ngủ khách, phòng ngủ trẻ, bếp… Phòng ngủ gia chủ được ngăn cách với không gian sinh hoạt chung thông qua khoảng sân vườn có mái che lấy sáng cùng nhiều loại cây trồng nhiệt đới.
Những tiện ích khác được bố trí ở tầng trên cùng kết hợp với khoảng vườn thượng, nơi gia đình trồng rau, dây leo và những loại cây hoa yêu thích.
Về xử lý mặt đứng công trình, do vị trí căn nhà có một mặt giáp công viên nội khu, vì vậy, tại những không gian công cộng, các ô kính lớn được mở lấy tầm nhìn xanh về phía công viên.
Các khối riêng tư được khoác lớp lam gỗ nhằm nhấn mạnh ý tưởng tổ hợp khối, đồng thời cùng với hệ cửa xoay và các vách lam gỗ xoay trong nhà có tác dụng cân chỉnh lượng nắng và gió vào nhà một cách linh động.
Khi các cánh vách ngăn di động được mở ra, ranh giới giữa trong và ngoài nhà như không còn nữa, không gian sinh hoạt trở nên gần hơn với nắng, gió, mảng xanh. Yếu tố thiên nhiên vì lẽ đó trở thành một phần của chính căn nhà, như yêu cầu ban đầu của chủ đầu tư.
Về nội thất, mượn họa tiết lá vùng nhiệt đới làm họa tiết khắc gỗ cho phần lam mặt bên công viên, phần nào mở tầm nhìn ra công viên và phần nào giữ tính riêng tư cho các không gian ngủ.
Họa tiết lá cũng được khéo léo nhắc lại bằng vật liệu đá mài trên sàn bê tông xoa, cũng như một số chi tiết trên vật dụng nội thất, làm tăng nét tinh tế và tính thống nhất giữa nội và ngoại thất của ngôi nhà.
Thiết kế mong muốn mang chút trải nghiệm thú vị về phong cách sống mới trong xã hội hiện đại, vùng nhiệt đới.
Nói cách khác, thiết kế được xem như một ví dụ cho sự giao thoa và tương tác lẫn nhau giữa cuộc sống, giữa một bên mải cuốn theo đô thị hóa, hiện đại hóa và bên còn lại hướng về với thiên nhiên.
BÀI: N.A
ẢNH: HIROYUKI OKI
ẢNH: HIROYUKI OKI
0 comments:
Post a Comment